Thái Đức Thông Bảo ( 泰 德 通 寶 )
Nguyễn Văn Nhạc hay dân gian thường gọi là Nguyễn Nhạc là vị hoàng đế sáng lập nên nhà Tây Sơn, ông ở ngôi từ năm 1778 đến năm 1788. Trong thời gian ở ngôi ông xưng là Thái Đức Đế. Sau này từ năm 1789 đến năm 1793 ông nhường ngôi hoàng đế cho người em trai là Nguyễn Huệ – tức vua Quang Trung, còn ông tự hạ tước hiệu của mình từ một vị hoàng đế xuống thành Tây Sơn Vương. Nguyễn Nhạc và hai người em của mình là Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ được biết đến với tên gọi là “ anh em Tây Sơn “, những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn chấm dứt cuộc chiến tranh – nội chiến dai dẳng giữa họ Trịnh ở phía Bắc ( Đàng Ngoài) và các chúa Nguyễn ( Đàng Trong ). Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã lật đổ hai tập đoàn phong kiến này cùng với nhà Lê trung hưng.
Tiền Thái Đức Thông Bảo là đồng tiền được đúc dưới thời Nguyễn Nhạc trị vì sử dụng niên hiệu Thái Đức ( 1778 – 1793 ) . Tiền được đúc bằng đồng, hình tròn ở giữa có lỗ vuông tượng trưng cho quan niệm “ trời tròn đất vuông “ của người xưa. Mặt trước của đồng tiền được ghi bốn chữ Hán Thái Đức Thông Bảo ( 泰 德 通 寶 ) đọc chéo lần lượt từ trên xuống dưới từ phải qua trái, mặt sau thường để trơn, có chữ hoặc có các ký hiệu như chấm sao , vành trăng, vòng tròn to nhỏ. Trước hết, trong bốn chữ Hán được ghi trên mặt trước của đồng tiền có hai chữ Thái Đức là chỉ niên hiệu của Nguyễn Nhạc, hai chữ Thông Bảo là chỉ loại tiền được lưu hành thông dụng, phổ biến. Niên hiệu Thái Đức với chữ Thái ( 泰 ) có nghĩa là yên bình, yên vui còn chữ Đức ( 德 ) lại có nghĩa chỉ phẩm chất tốt đẹp, đạo đức của con người. Vậy nên ta có thể hiểu rằng hoàng đế Nguyễn Nhạc lấy niên hiệu là Thái Đức nhằm thế hiện mong muốn đem lại sự yên bình cho đất nước và nhân dân bằng tất cả tài đức của mình khi mà ông lên ngôi vua trong hoàn cảnh đất nước chưa được thống nhất, còn nhiều xung đột, loạn lạc và bất ổn. Đặc biệt tiền Thái Đức Thông Bảo phần lưng tiền có rất nhiều dạng ký hiệu mang những ý nghĩa hàm ẩn của người xưa. Trong đó có loại mặt lưng có ghi hai chữ Vạn Tuế( 萬 歲 ) ở bên phải và bên trái lỗ vuông, viết theo lối cuồng Thảo bay bướm, tính thẩm mỹ nghệ thuật rất cao. Trong hệ thống tiền cổ của Việt Nam hay Trung Quốc qua các triều đại đến nay ghi nhận tiền Thái Đức Thông Bảo là một trong hai trường hợp lưng tiền có chữ Vạn Tuế trong triều đại nhà Tây Sơn – một điều đặc sắc riêng biệt trong dòng chảy tiền cổ của Việt Nam. Hai chữ Vạn Tuế ở đây có thể mang trong nó là ước vọng triều đại nhà Tây Sơn được trường tồn, vững mạnh cùng thời gian của vua Nguyễn Nhạc. Tuy nhiên hiện không có tài liệu nào ghi chép chi tiết về ý nghĩa của những ký hiệu này nên rất khó giải thích chính xác người thợ tạo khuôn làm nó với mục đích gì. Đây cũng là một điều thú vị hấp dẫn nhiều người sưu tầm tìm hiểu và nghiên cứu về tiền Thái Đức Thông Bảo. Không chỉ có những sự khác biệt về mặt lưng mà ngay về nét chữ, thư pháp ở mặt trước đồng tiền, đường kính kích thước cũng có sự biến hóa rất phong phú, đa dạng với nhiều kiểu chữ to nhỏ, chữ quy chuẩn ngay ngắn và cả những chữ được giản lược nét viết. Ngày nay tiền Thái Đức Thông Bảo được phát hiện số nhiều là những đồng tiền được đúc pha tạp mục hỏng hay lẫn nhiều chì, những đồng tiền chất lượng đẹp còn rõ chữ không phải dễ dàng. Có lẽ điều này cũng rất hợp lý vì tiền Thái Đức Thông Bảo được đúc trong bối cảnh đất nước xã hội và chính trị không ổn định, chiến tranh xảy ra nhiều nên kim loại đồng tốt chủ yếu dùng để phục vụ mục đích quân sự do vậy trong quá trình đúc tiền phải pha tạp để hạn chế việc thâm hụt nguyên liệu.
Qua đó ta thấy được tiền cổ Thái Đức Thông Bảo mang trong mình rất nhiều thông tin, giá trị của lịch sử dân tộc chứ không chỉ đơn thuần là một đồng tiền xu nhỏ bé .